Di tích-Danh thắng-Lễ hội

Đất quê nghề cũ

Cá biển mà nấu nồi đất Cổ Đạm thì ngon tuyệt, không loại nồi nào sánh bằng. Nồi đất nấu cơm nếp, hầm khoai lang, luộc ngô cũng thơm ngon, tuyệt diệu. Đặc sản cơm niêu không thể thiếu nồi đất. Ở Nghi Xuân nồi đất Cổ Đạm được đi vào trò chơi dân gian đập mặt nạ trong những dịp tết nhất, hội hè vui nhộn. Nồi còn được dùng chứa đựng nông sản, thực phẩm trong sinh hoạt hàng ngày của mọi gia đình…

Du khách về Nghi Xuân nghe câu ví dặm “ Đất Đồng Môn dệt vải/ Đất Cổ Đạm vắt nồi” mà xao xuyến trong lòng mỗi người. Câu hát ví được lưu truyền trong dân gian từ đời này sang đời khác. Không rõ ai là tác giả câu dặm miêu tả nghề vắt nồi đất truyền thống ở làng Chuầy dưới chân núi Mồng Gà, dãy núi Hồng Lĩnh. Nghề vắt nồi đất ở Cổ Đạm có từ bao giờ? Ông tổ nghề là ai ? Có đền thờ tổ nồi đất không?  Người dân nơi đây không còn nhớ nữa. Họ chỉ nhớ nghề vắt nồi đất có đến 700 - 800 năm, do một ông ở Thanh Hóa truyền nghề. Người Cổ Đạm khẳng định, nghề vắt nồi đất có từ lâu lắm rồi. Sách Nghi Xuân địa chí của tác giả Lê Văn Diện, viết vào năm 1842 cũng chép rõ: “ Đồi đất sản xuất ở Cổ Đạm, Mỹ Dương”.

Làng nghề sản xuất nồi đất Cổ Đạm ở Kỳ Ba, ( nay là thôn 3 và thôn 7) liền kề làng Giáo Phường, quê hương ca trù, nơi có đền xứ thờ Tổ sư Ca trù của nhiều phủ, huyện ở Nghệ  An, Hà Tĩnh.

Muốn sướng đi ăn cá, ăn tôm

Ai về Cổ Đạm thì ôm lấy chầy.

Chuầy là cái bàn xoay vật dùng để làm nồi. Câu hát nói trên có từ lâu lắm rồi, cả làng Kỳ Ba ai cũng biết. Lời hát miêu tả sự vất vả, khó nhọc của nghề làm nồi đất và khát vọng được giải thoát. Nghề thủ công vắt nồi đất “chân lấm tay bùn”, chân đạp tay vắt vất vả, khó nhọc. Đất làm nồi khai thác ở đập đồng Chuầy còn gọi là đập Hành Khiển, dưới chân núi Mồng Gà. Đàn ông sáng dậy mang quang gánh, thuổng lên đồng Chuầy lấy 2 cục đất sét nơi bờ ruộng, gánh về chỉ làm được 7, 8 cái nồi đất. Cổ Đạm đồng điền thiên mẫu nhưng duy chỉ đất sét đồng Chuầy làm được nồi đất. Mùa hè, đàn bà, con gái lên núi cắt sim mua, xương xỉ về phơi nắng để nung nồi đất. Ngày xưa về mùa này cả làng rực lửa nung nồi như một công xưởng.
 



Bà Nguyễn Thị Sinh, một trong hai người vẫn theo nghề làm gốm ở Cổ Đạm
 

Nghề làm nồi Cổ Đạm thịnh hành nhất vào giai đoạn 1954 – 1980. Lúc đó quy mô có đến trên 200 hộ ở Kỳ Tây, Kỳ Đông và Hoa Phú. Thời đó, nước bạn Lào cử người đến Cổ Đạm học nghề làm nồi đất. Rồi thị trường công nghiệp phát triển, các loại nồi nhôm, nồi điện …tràn ngập thị trường làm nồi đất lép vế, làng nghề thủ công Cổ Đạm hầu như giải nghệ. Hiện nay, nghề vắt nồi Cổ Đạm chỉ vài ba người như là chị em bà Sinh, bà Thành ở thôn 7 đang nắm giữ nghề. Thỉnh thoảng có khách đặt hàng mới làm, không thì gác bàn xoay dài dài. Nghề vắt nồi Cổ Đạm đang có nguy cơ bị xóa sổ như những nghề đúc đồng, đúc gang ở Nghi Xuân một thời nổi tiếng.

Trước đó, nồi đất Cổ Đạm được chở bằng thuyền, hoặc gánh bộ đưa đi bán ở nhiều chợ quê trong 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Nồi Cổ Đạm lên tận Hương Sơn, Hương Khê, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, ra tận Thanh Hóa, cạnh tranh với nồi đất Diễn Châu. Ngày ấy, nồi Cổ Đạm là lựa chọn số một trong các đồ vật nhà bếp. Làng nghề sản xuất nồi lớn, nồi bé, ấm gánh nước, chõ hông xôi, siêu trắc thuốc…Cá biển mà nấu nồi đất Cổ Đạm thì ngon tuyệt, không loại nồi nào sánh bằng. Nồi đất nấu cơm nếp, hầm khoai lang, luộc ngô cũng thơm ngon, tuyệt diệu. Đặc sản cơm niêu không thể thiếu nồi đất. Ở Nghi Xuân, nồi đất Cổ Đạm được đi vào trò chơi dân gian đập mặt nạ trong những dịp tết nhất, hội hè vui nhộn. Nồi còn được dùng chứa đựng nông sản, thực phẩm trong sinh hoạt hàng ngày của mọi gia đình, làng mạc từ nông thôn đến thị thành.

Đất Cổ Đạm có đình ca trù ở thôn Phú Giáo là nôi ca trù, nay gọi là Phú Vinh, có đền Nhà Bà, đền họ Phan. Đền Nhà Bà, thờ phụng vị nữ thần Thiên tiên Ngọc nữ Mai hoa công chúa làm thành hoàng làng Kỳ Ba. Theo người dân Cổ Đạm làng xây đền Nhà Bà để ổn định nghề làm nồi đất. Sự tích ngôi đền này có liên quan nghề vắt nồi đất của người dân Cổ Đạm.
 



Tam quan đền Nhà Bà ở Cổ Đạm thờ Mai Hoa công chúa
 

Đền Nhà Bà có vai trò ổn định đời sống tâm linh của dân làng từ đời này sang đời khác. Người dân Kỳ Ba kể, vào thời nhà Trần làng có cô gái đẹp tên là Mai Hoa. Bấy giờ có giặc Tàu Ô vượt biển vào cướp phá quê hương, nhà vua sai tướng soái đem quân đi đánh giặc. Nhưng khi chiến thuyền ra biển thì gặp đàn cá mập hung dữ gây sóng gió lật chiến thuyền hại người. Vì chưa nghĩ được kế sách gì chống lại, quan quân ghé thuyền vào bờ đóng quân. Khi đó Mai Hoa đến quân doanh hiến kế rằng: “Tướng quân sai lính về làng Kỳ Ba mua nồi đất và vôi cục; bỏ vôi vào nồi đưa theo chiến thuyền ra biển; hễ thấy đàn cá dữ nổi lên thì thả ụp xuống nước biển. Vôi sôi chắc chắn diệt được nghê kình”. Vị tướng quân làm theo kế sách của Mai Hoa đã diệt được cá mập. Sau đó quân Trần đánh tan giặc Tàu Ô, vị tướng quân tâu công trạng của cô gái với vua Trần, cô được vua nhận làm con nuôi và sắc phong hiệu Mai Hoa công chúa. Về sau công chúa Mai Hoa theo vua đi đánh Chiêm Thành, nhưng đến Đèo Ngang thì mất. Dân làng Kỳ Ba, xã Cổ Đạm lập đền thờ tôn làm Thành hoàng. Đến khi vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, thuyền qua Cổ Đạm gặp sóng gió, phải ghé vào đền đóng quân. Đêm ngủ, vua mộng thấy một nữ thần cưỡi đóa mây trắng nói với vua xin được theo hộ giá. Vua nhận lời cùng đồng hành, tự nhiên cơn cuồng phong ngừng thổi. Thuyền quan quân tiến thẳng vào đất Chiêm Thành. Thắng trận trở về vua phong Mai Hoa làm Bạch Vân công chúa và sai dân sở tại tu sửa đền thờ để vua đích thân tế lễ.

Một huyền thoại khác nói Mai Hoa công chúa là người làng Kỳ Ba, (nay là thôn 3 xã Cổ Đạm) sống vào thời thuộc Minh đô hộ. Bấy giờ Lê Lợi ở Lam Sơn dấy binh đánh giặc. Một hôm cô gái đang tát nước chống hạn thì gặp một vị tướng quân bị giặc Ngô truy bắt. Giữa đồng trống trải không biết trốn ở đâu an toàn. Cô gái nhanh trí bảo vị tướng nằm dọc bờ ruộng rồi lấy cỏ đăn, cỏ lác phủ kín người. Sau đó o điềm nhiên tát nước cho lúa. Lát sau giặc Ngô đuổi tới cánh đồng. Chúng tra hỏi o thôn nữ và tìm kiếm, lục soát, nhưng không thấy gì khả nghi. Lũ giặc bỏ đi nơi khác lục soát. Nhận thấy tình hình yên ổn, o bảo tướng quân ra. Ông này giũ cỏ dậy. Trước khi chia tay o con gái tát nước, ông tướng nắm tay hẹn hò: "Sau này đánh thắng giặc Ngô nếu sống sót trở về sẽ cưới o làm vợ". Nhưng trong một trận giao chiến, người chồng chưa cưới của o thôn nữ Kỳ Ba ngã xuống chiến trường. Tin dữ làm o khóc, rồi thủ tiết thờ người chồng chưa cưới. Tin o thủ tiết đồn đến tai vua Thái tổ nhà Lê, o được vua ban danh Ngọc Nữ công chúa. Sau khi o mất, dân làng Kỳ Pha lập đền thờ, thờ o làm Thành hoàng bản thổ.

Hiện nay đền Nhà Bà đang bảo tồn 15 đạo sắc phong thần của các đời vua Lê, vua Nguyễn ban tặng, trong đó có 4 đạo sắc phong tặng Mai Hoa công chúa. Bản sắc cổ nhất đề ngày 26/7, niên hiệu Cảnh Hưng 44, tức năm 1783. Năm 2008, đền được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng, công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Hàng năm lễ hội đền Nhà Bà thờ Ngọc Nữ, Mai Hoa công chúa được tổ chức vào mùa hè, gọi là lễ kỳ phúc có quy mô lớn với các lễ nghi cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nghề làm nồi phát đạt, dân làng bình an. Ngoài phần lễ, làng có tổ chức đấu vật, thi thát lát, đi cầu khỉ và hát cửa đền bằng các làn điệu ca trù.

Các hoạt động thể thao, văn nghệ của ngày hội làng trên đất ca trù Cổ Đạm đang vẫy gọi du khách mọi miền về dự hội để thưởng lãm đất Cổ Đạm vắt nồi đang khởi sắc từng ngày trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.