Lịch sử hình thành

Giới thiệu đôi nét về Lịch sử hình thành xã Cổ Đạm.

   Cổ Đạm là một  nằm ven biển huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Qua các tài liệu lịch sử để lại đã cho chúng ta biết, cách đây trên 500 năm, một dải đất ven biển Nghi Xuân từ Hội Thống đến Cương Gián (vùng bãi ngang) đã hình thành nên các làng mạc bởi sự quần tụ cư dân từ nhiều nơi đến khai phá, mở mang bờ cõi. Vùng đất Cổ Đạm cũng được hình thành trong tiến trình lịch sử chung đó. Trải qua thời gian, với tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, vượt qua khó khăn thử thách, cư dân nơi đây đã cải tạo những bãi bồi hoang vu, đất đai cằn cỗi thành ruộng vườn trù phú, làng xóm đông đúc đồng thời tạo dựng nên kho tàng di sản văn hóa đặc sắc nằm trong dải đất Hồng Lam xứ Nghệ

     Cho đến nay chưa có bằng chứng phát hiện tồn tại của người Nguyên thủy và những dấu tích của người Việt cổ qua các thời kỳ Văn Lang-Âu Lạc trên đất Cổ Đạm. Tuy nhiên trên địa ban huyện Nghi Xuân nói chung đã trải qua một quá trình lịch sử phát triển lâu dài. Theo các thư tịch Cổ thì trước đây Nghi Xuân thuộc vùng đất Cổ của bộ tộc Việt thường thời Văn Lang- Âu Lạc.

    Đối với Cổ Đạm, có di chí khảo cổ bãi Phôi Phối Xuân Viên di chí này cho biết cách đây 5-6 ngàn năm đã có người sinh sống ở đây. Riêng ở Cổ Đạm nếu quan sát từ Kẻ Lạt (Cẩm Bào) đi về hướng đông, thấy rất nhiều bãi cát tự nhiên trải rộng như: Mồng Gà, Đồng Bàu, Đồng Nò và các cánh đồng, kênh rạch, doi đất cát tự nhiên chạy dọc theo chiều dài của xã. Như vậy qua những di chí khảo cổ đã tìm thấy, chúng ta có thể khẳng định rằng con người đã tồn tại trên đất Cổ Đạm gần cả ngàn năm. Trải qua hàng ngàn năm khai phá, lấn biển lấp sông, cư dân vùng đất này đã tạo nên ruộng đồng, làng mạc hầu hết các tên làng đều có chữ "Kẻ" như Kẻ Lạt (Cẩm Bào) hay Đô Liêu (Đầu Lều).... Điều này chứng tỏ Cổ Đạm là vùng đất cổ. Theo đó làng được hình thành đầu tiên là Đô Liêu (Đầu Lều) Kẻ Lạt (Cẩm Bào). Đến đầu đời Nguyễn, vùng Liêu Đông vẫn còn là một đại xã (xã lớn), có 24 dòng họ đồng cư. Do dân cư phát triển đông , nhân dân mới di cư ra làng Me vùng Phú Nhiêu khai phá, ăn ở thôn Phú Nhiêu thời |Lê gọi là Phong Nậm (Làng Nầm).

     Xã Cổ Đạm thời Lê có 4 thôn gồm: Kỳ Pha, Yên Phú, Mỹ Cầu và Vân Hải. Năm Minh Mạng thứ 13 (1832), dân số Vân Hải đông đúc, phát triển mới tách ra một thôn riêng.

     Làng Kỳ Pha ở vào trung tâm xã, vào khoảng năm 1903-1904 dân số phát triển đông đúc mới lấn lên doi đất phía đông khai phá thành lập xóm đồng Bại, tức Kỳ Đông ngày nay.

      Làng Yên Phú thời Lê gọi là Yên Lam, nằm về phía bắc giáp xã Xuân Thành, Xuân Mỹ, trước đây là một thôn giàu có, nhiều ruộng đất. Đến năm Bính thìn (1916) bị dịch tả, đậu mùa chết gần hết, còn lại họ Trần, họ Phan di cư về làng Kỳ Pha, Phú Lạp sinh sồng.

      Làng Mỹ Cầu ở về phía Tây giáp Khe Hoa, thời Lê gọi là Hoa Cầu chia làm 2 giáp gọi là Nịnh Cầu (Làng Cầu), Mỹ Lộc (Làng Me). Năm Tự Đức thứ 8 (1855) vì bị dịch bệnh nên người chết nhiều, chỉ còn lại họ Lê, họ Phạm, họ Đào nhập về làng Kỳ Pha.

     Làng Vân Hải thành lập vào thời Lê Trung Hưng, thời Lê gọi là làng Phúc Hải, đến thời Nguyễn vì Kiêng tên húy của Vua nên đổi thành tên Vân Hải, thường gọi là làng Cựa Mây, lúc đầu tập trung ở giải đất từ Cầu Rào, Ba Vụng đến An Lạc ngày nay, về sau dân số phát triển mới lấn dần ra bờ biển.

     Toàn bộ đất đai của xã Cổ Đạm ngày nay, trước cách mạng tháng Tám năm 1945 thuộc Tổng Cổ Đạm và là một xã đứng đầu mục của Tổng này. Tổng Cổ Đạm thời đó có 8 xã thôn, Trang gồm: Cổ Đạm, phú Lạp, Liêu Đông, Cương Đoán, Cương Gián, Động Gián, thôn Vân Hải và trang Cam Lâm. Sau khi cướp chính quyền và xây dựng chế độ xã hội mới giai đoạn 1945 thực hiện chủ trương bỏ cấp Tổng, lập xã mới của Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Hà Tĩnh, huyện Nghi Xuân từ 5 tổng với 33 làng, xã cũ được tổ chức lại thành 13 xã mới Tổng Cổ Đạm được đổi tên là xã Hoa Khê. Đến tháng 6/1954 với chủ trương đặt tên xã gồm hai từ trong đó có một từ mang tên huyện theo đó xã đổi tên thành xã Xuân Hoa. Từ năm 1972 xã đã đổi lại tên cũ là xã Cổ Đạm cho đến nay có 3 làng gồm Vân Hải, Phú Kỳ và Xuân Sơn, được chia thành 12 thôn; Xuân Sơn, Kẻ Lạt, Kỳ Tây, Phú Vinh, Phú Hòa, Phú Thuận Hợp, Kỳ Đông, Vân Thanh, Vân Thanh Bắc, An Lạc, Bắc Tây Nam và Hải Đông. Xã Cổ Đạm hiện có 48 nhà thờ dòng họ sinh sống.

TÊN GỌI XÃ CỔ ĐẠM QUA CÁC THỜI KỲ
 

Thời gianTên gọi
Trước 1930 đến 1944Tổng Cổ Đạm
1945 - 1953Xã Hoa Khê
1954 – 1971Xã Xuân Hoa
1972 - 2017Xã Cổ Đạm