Truyền thống văn hóa

Trước khi trở thành vùng “nhân kiệt” thì Nghi Xuân xưa đã là miền “địa linh” với thế đất “tam hợp”, được bao bọc xung quanh là núi, sông và biển. Từ thời cổ đại, Nghi Xuân đã có dấu vết của con người thuộc hệ văn hóa Bàu Tró cách đây hơn năm ngàn năm trước, tức vào thời kỳ hậu đồ đá mới. Theo các di chỉ khảo cổ được tìm thấy tại Phối Phối bãi Cọi (xã Xuân Viên) và Xuân An cũng khẳng định có sự giao thoa giữa nền văn hóa Đông Sơn và văn hóa Sa Huỳnh cách đây khoảng hơn hai ngàn năm. Có thể, những cư dân của nền văn hóa Sa Huỳnh đã đến Hà Tĩnh từ cửa biển Hội Thống, nhìn thấy thế núi sông quần tụ, đất lành chim đậu, ngờm ngợp linh khí nên đã đi dọc theo bờ sông Lam mà cập bến, sinh sống tại đất này trước khi men theo chân núi Hồng Lĩnh để tiến dần vào Hà Tĩnh, cùng với cư dân văn hóa Đông Sơn tại đây để tạo nên một nền văn hóa giàu bản sắc của người Hà Tĩnh cổ. Khoa học đã chứng minh Nghi Xuân là một trong nhưng nơi hội tụ tinh hoa của các nền văn hóa cổ với dày đặc các di chỉ khảo cổ học kết nối liên tục các giai đoạn lịch sử hình thành của con người nơi đây từ thời tiền sử đến nay.

Từ những ngày xưa ấy, cư dân nơi đây thuộc bộ tộc Việt Thường (Việt Thường Thị). Theo sử sách và Ngọc Phả Hùng Vương, thời ấy Kinh Dương Vương là cháu ba đời của Viêm Đế, vâng mệnh vua cha tiến về phía Nam lập nước Xích Quỷ (sau là một phần của nước Văn Lang), trên đường tuần du tìm đất lập đô, men theo chân núi Thứu Lĩnh (nay là Hồng Lĩnh), đến vùng đất giáp cửa biển Hội Thống ngày nay, nhìn thấy phong cảnh tươi đẹp, non nước hữu tình, đường núi quanh co, đường sông uốn khúc, địa thế rồng cuộn hổ ngồi, bốn hướng cùng trông bèn xây dựng kinh thành để định nơi cho bốn phương triều cống. Truyền thuyết về ông Đùng vác đá xếp 99 đỉnh non Hồng hay chuyện về đàn chim Hồng 100 con về tìm đất đậu cũng ở thời này. Sau này, mặc dù lập kinh đô mới ở núi Nghĩa Lĩnh (đất Phong Châu) và nhường ngôi cho con trai Lạc Long Quân, Kinh Dương Vương vẫn trở lại cựu đô để sống đến khi hóa sinh bất diệt. Hơn bốn ngàn năm, thời gian đã che đi nhiều dấu cổ, những vết tích của kinh đô Ngàn Hống vẫn còn đó với những lũy đá, bàn cờ tiên, giếng ngọc, đồi bắn cung, bãi tập ngựa, lùm dấu voi hay vọng gác tiền tiêu thấp thoáng trên đỉnh núi Đụn bốn mùa mây phủ… Không còn là đế đô nhưng Ngàn Hống vẫn là một vùng “Nam Sơn đệ nhất” để mãi về sau các bậc đế vương, dũng tướng đi qua đều phải ái mộ. Để sau này khi Mã Viện, Cao Biền qua đây vì giật mình kinh sợ cái uy nghi của thế núi thế sông mà dựng cột đồng trừ yểm nhưng vẫn không thể khuất phục được cái uy linh sông núi ngùn ngụt nơi này, cũng như không thể làm nghiêng ngả được sơn hà xã tắc mà các vua Hùng đã dựng xây nên. Truyện xưa tích cũ, thực ảo đan xen nhưng không phải bỗng dưng mà ghi vào sử sách, khắc vào bia đá, sống mãi với thời gian.

Sau thế kỷ thứ VII (trước công nguyên), thời Văn Lang - Âu Lạc, đất này thuộc bộ Cửu Đức. Giai đoạn nghìn năm Bắc thuộc, tên gọi nơi này có nhiều thay đổi. Thời thuộc Ngô gọi là Dương Thành, thời thuộc Tấn gọi là Dương Toại, thời thuộc Tần gọi là Phố Dương. Đến thời nhà Trần và thời thuộc Minh gọi là Nha Nghi, sau đó là Nghi Chân....Đến năm Kỷ Sửu 1469 (Quang Thuận thứ 10), vua Lê Thành Tông định lại bản đồ cả nước. Tên huyện Nghi Xuân có từ đó, một huyện nằm trong Phủ Đức Quang cùng với Thiên Lộc, La Sơn, Chân Phúc, Thanh Chương và Hương Sơn. Thời kỳ này, huyện bao gồm cả một phần đất Đức Thọ và Hưng Nguyên ngày nay. Đến thời nhà Nguyễn, vua Khải Định (1916-1925), một phần đất phía bờ bắc sông Lam được cắt về huyện Hưng Nguyên, một phần đất phía Tây cắt về huyện Đức Thọ. Địa giới hành chính tuy có khi thay đổi nhưng địa danh thì vẫn trường tồn từ năm 1469 đến nay để trở thành một miền quê đi vào thơ ca và lịch sử văn hóa dân tộc bởi những tên đất, tên người. Miền đất mà khi Nguyễn Du mài lệ viết Kiều cũng đã phải thốt lên: “Một vùng như thể cây quỳnh cành dao”.

Nếu đất Hà Tĩnh xưa là nơi miền biên viễn, vùng đất “phên dậu” phía Nam của Tổ Quốc, vùng đất được miêu tả trong sử sách là chốn rừng thiêng nước độc, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai khắc nghiệt, thú dữ hoành hành, là bàn đạp để mở đất của mỗi triều đại, là trận địa và nơi cung cấp quân và lương thảo để đánh giặc Bồn Man, Chiêm Thành, Chân Lạp thường ra quấy rối…thì Nghi Xuân là một vùng đất an lành của xứ ấy. Đây là nơi Lý Thái Tổ mở trại định phiên, Lý Thánh Tông dựng hành cung (ở núi Lầu, Xuân Lam), Lý Nhật Quang đặt sở lỵ (ở đất Tả Ao, Xuân Giang), nơi Quang Trung dừng chân trước khi tiến quân ra Bắc...Dù là lúc đất nước đắm chìm trong ngàn năm Bắc thuộc với bao chính sách bạo tàn “Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn. Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ” hay nhưng khi dân tộc Việt dành được độc lập với bao đời Đinh, Lý, Trần, Lê…thì đất Hà Tĩnh, người Nghi Xuân vẫn luôn khẳng định dấu ấn của mình trong lòng dân tộc là một vùng đất cần cù hiếu học, lễ nghĩa nhân văn, yêu ghét rõ ràng, không khuất phục trước ngoại xâm, trước cường quyền. Là miền quê chịu ảnh hưởng rất lớn bởi Nho học và tư tưởng Phật giáo nên ngày nay, dấu xưa vẫn còn lưu lại với những trầm tích văn hóa, di chỉ khảo cổ và hàng trăm đền chùa miếu mạo, di tích danh thắng dày đặc và nổi tiếng. Đình Hội Thống, Đền Củi, Đền Huyện, di tích Đại thi hào Nguyễn Du (tư gia họ Nguyễn Tiên Điền), di tích Uy viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, chùa Phong Phạn, chùa Thanh Lương, chùa Đà Liễu, danh thắng núi Hồng sông Lam…đã giữ nguyên linh khí cho vùng đất này.

Có lẽ vì không là vùng đất đai màu mỡ, không được thiên nhiên ưu ái, với cái nóng bỏng rát bởi gió Lào, cái lạnh thấu xương trong những cơn gió mùa Đông Bắc, bao đời phải gồng mình chống chọi với thiên nhiên, giặc giã nên con người nơi đây sớm biết vẫy vùng trong thử thách, rèn luyện được ý chí tuyệt vời về sự vượt khó vươn lên và sự cần cù sáng tạo trong lao động sản xuất. Cũng vì vậy, người Nghi Xuân luôn lấy sự học làm đầu, học để biết lễ nghi phép tắc mà đối đãi với nhau, học để thành người, học để thành danh, học để cùng tạo dựng nên một miền quê văn hóa anh hùng.

Khu di tích quốc gia đặc biệt Đại thi hào Nguyễn Du ở xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân

Từ khi hình thành chế độ khoa cử, Nghi Xuân đã bắt đầu có người đỗ đạt. Đến năm 1463 (thế kỷ XV), Nghi Xuân đã có vị tiến sỹ đầu tiên được vinh danh, khắc vào bia đá Quốc Tử Giám, đó là Tiến sỹ Phạm Ngữ (người làng Phan Xá). Tiếp nối truyền thống đó, trải qua các triều đại phong kiến, Nghi Xuân có tới 21 người đỗ đại khoa và 111 người đỗ Hương Khoa (hương cống cử nhân). Đặc biệt vào thế kỷ 18 là giai đoạn danh tài Nghi Xuân phát tiết rực rỡ, rạnh danh nước Việt với những dòng họ khoa bảng nổi tiếng: Họ Nguyễn Tiên Điền, họ Ngụy Khắc (Xuân Viên), họ Trần, họ Phan, họ Lê, họ Hà, họ Võ, họ Đặng, họ Uông, họ Đậu… Tiêu biểu như dòng họ Nguyễn Tiên Điền, một gia đình có hai anh em đều đậu tiến sĩ (Tiên Lĩnh hầu Nguyễn Huệ và em trai là Xuân quận công Nguyễn Nghiễm) và “Cha tiến sĩ con tiến sĩ phúc ấm lừng danh lưu sử nước”, đó là Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản. Không chỉ thế, Nghi Xuân là miền đất đã sinh ra những nhân tài lưu danh sử sách. Đó là Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới, người đã đưa tiếng Việt lên một tầm cao mới, người đã nâng chữ Tâm thành “Đạo” trong xã hội đương thời, tác giả của trước tác Truyện Kiều, pho sách chứa đựng tinh hoa của ngôn ngữ Việt. Đó là Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ với sự nghiệp kinh bang tế thế, với những dòng thơ hào sảng chí khí nam nhi: “Đã mang tiếng ở trong trời đất. Phải có danh gì với núi sông” đã trở thành quan niệm sống của bao bậc quân tử, hiền tài qua nhiều thế hệ, người có công đầu đưa thể loại hát nói trong ca trù thành thể loại thơ thuần Việt. Đó là nhà địa lý Tả Ao nổi tiếng nước Nam một thời là Thánh sư địa lý. Điều đặc biệt, đó là những nhân tài sinh ra từ Nghi Xuân đa phần đều là những người rất giỏi trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, tiêu biểu là Đại thi hào Nguyễn Du (trong 5 nhà thơ được giới học thuật đương thời phong là "An Nam ngũ tuyệt" thì có 2 chú cháu Nguyễn Du và Nguyễn Hành), nhà thơ Nguyễn Công Trứ vào thế kỷ XIX; Thế kỷ XX có Giáo sư khảo cổ học Hà Văn Tấn, Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu, Nghệ sỹ nhân dân Đào Mộng Long... Về di tích danh thắng, không một ngôi đền nào ở Nghi Xuân không gắn với sự nghiệp công lao của một nhân tài, không một di tích thắng cảnh nào không gắn với một truyền thuyền đẹp về tình người tình đất, không một dòng họ nào không sản sinh cho quê hương những bậc hiền tài.

Lịch sử 550 năm với bao thăng trầm trong quá trình dựng xây và phát triển luôn gắn với những dấu ấn đậm đặc về văn hóa làng với những làng nghề nổi tiếng: làng Cổ Đạm trở thành giáo phường ca trù nức tiếng dưới vương triều nhà Nguyễn, được vua nhà Nguyễn phong ca trù Cổ Đạm là đội quốc nhạc của triều đình. Ông Đinh Lễ, chàng trai trẻ gắn với truyền thuyết được tiên nhân tặng cho khúc gỗ ngô đồng để làm ra chiếc đàn đáy, trở thành là vị tổ sư nghề cầm ca của làng. Nhiều làng nghề giàu truyền thống, gắn với những truyền thuyết huyền ảo một thời như làng mộc Đan Phổ, làng nước mắm Cương Gián, làng nồi đất Cổ Đạm, làng nghề nón Tiên Điền…

Trước cách mạng tháng Tám, Nghi Xuân có 217 km 2 đất tự nhiên, năm 1930 dân số chỉ có 38.101 người, nhân dân phần lớn “dĩ nông vi bản” sống về nông nghiệp nông thôn, cha truyền con nối, cần cù kham khổ, một nắng hai sương bám chắc ruộng đồng để tồn tại và phát triển. Với kỹ năng vốn có họ đã tìm ra cách thức trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt. Phải lam lũ với ruộng đồng, vật vã với đại dương lắm mới làm nên: Lúa Xuân Viên - khoai Phan Xá - dưa đỏ Mỹ Dương, chè xanh làng trại, cá Hội Thống, nước mắm Vạn Cương, muối Đồng Kèn, ruốc rươi Quần Mộc....

Tháng 4 năm 1930 với sự ra đời của Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên tại Đình Hoa Vân Hải thuộc tổng Cổ Đạm từ đó phát triển ra các xã, tổng khác, nhân dân Nghi Xuân đi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ với những chiến công đã được lưu vào sử Đảng như “Tiếng trống Xô Viết”- Phong trào đấu tranh 1930-1931, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ác liệt với những địa danh nổi tiếng như Cầu Bến Thủy, Gia Lách, Núi Cơm. Hòa bình, nhân dân Nghi Xuân đã tập trung bám đất, bám biển, các mô hình sản xuất, các ngành nghề ngày càng đa dạng. Không chỉ "lúa Xuân Viên, tiền Hội Thống" mà còn "lúa Lam Hồng", dệt thảm Xuân Hội trở thành “Làng thảm làng hoa”. Nhiều đội tàu đánh bắt xa bờ từng đưa ngư nghiệp Nghi Xuân phát triển mạnh mẽ.

Nghi Xuân hôm nay

Trong công cuộc đổi mới của đất nước, cùng với sự phát triển chung, Nghi Xuân không ngừng phát triển, nhất là trong phong trào xóa đói giảm nghèo. Nhưng phải đến khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Nghi Xuân mới thực sự vươn lên mạnh mẽ để trở thành một điểm sáng. Với mục tiêu xây dựng Nghi Xuân trở thành “Nông thôn của khát vọng khởi nghiệp và làm giàu”, với quan điểm: “Xây dựng nông thôn mới trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống”. Đảng bộ và nhân dân Nghi Xuân cùng với quyết tâm cao nhất, sự vào cuộc mạnh mẽ và toàn diện nhất, sau mười năm thực hiện, thực sự đã và đang trở thành “Miền quê đáng sống”. Những thành tựu mà huyện đạt được thể hiện khá toàn diện trên tất cả các mặt đời sống kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Đó là hệ thống kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm được nâng cấp và xây dựng theo hướng khang trang, hiện đại, đáp ứng cơ bản đời sống người dân. Đó là các mô hình kinh tế ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhất là việc ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật, công nghệ mới mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2018, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn đạt 5.030 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 16,7%, tổng số vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 1.900 tỷ, thu ngân sách đạt 301 tỷ. Thu nhập bình quân đầu người từ 11,4 triệu đồng năm 2011 đến năm 2019 đạt gần 40 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 5,02%.  Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, khôi phục và phát huy. Các thiết chế văn hóa thôn, xã được chuẩn hóa. Mỗi nhà văn hóa được trang bị một máy tính kết nối internet, tủ sách dùng chung cùng với các chương trình tập huấn, đào tạo nghề đã giúp người dân cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức, kỹ năng trong lao động sản xuất và đời sống. Những buổi nông nhàn, nhà văn hóa thôn thực sự là trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, đọc sách, giao lưu văn hóa văn nghệ, là nơi vun đắp và làm giàu thêm tình làng nghĩa xóm, nơi gìn giữ và làm giàu thêm các giá trị văn hóa làng, các nét đẹp cộng đồng của một vùng quê đầy ắp các giá trị văn hóa. Sự nghiệp giáo dục đào tạo thực sự là “Quốc sách hàng đầu” với trên 80% trường học đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục luôn thuộc tốp đầu của tỉnh, toàn huyện có rất nhiều Giáo sư, Phó giáo sư, tiến sỹ và nhiều chính khách nổi tiếng.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, huyện Nghi Xuân đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh, về đích trước thời hạn 2 năm.

Môi trường được đảm bảo theo hướng bền vững. An sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là các chế độ chính sách với người có công, công tác đền ơn đáp nghĩa, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao, chất lượng sống ngày càng tăng. An ninh quốc phòng được đảm bảo. Nhiều công trình văn hóa lịch sử, di tích danh thắng đang được bảo tồn, xây dựng hoặc trùng tu. Với trên 240 di tích, đã có 82 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh đang được các địa phương bảo vệ và phát huy. Với những thành tựu đó, cuối năm 2018, Nghi Xuân là huyện đầu tiên của Hà Tĩnh vinh dự được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trước hai năm so với kế hoạch đề ra. Đây cũng là cơ sở, là tiền đề để Nghi Xuân tiếp tục xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Tiếp nối truyền thống của miền quê văn hóa, con người Nghi Xuân hiện tại vẫn đang từng ngày học tập và vươn lên. Vẫn không quên ngoái nhìn về quá khứ để bái vọng, tôn thờ, để trân trọng những giá trị mà tiền nhân để lại như là di huấn thiêng liêng, là động lực để vượt khó vươn lên. Để tiếp tục khẳng định và làm giàu thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, để xứng đáng với các bậc tiền nhân. Những thành tựu đạt được chính là món quà quý giá, ý nghĩa nhất mà người Nghi Xuân hôm nay tự hào dâng lên những người đã có công tạo lập, dựng xây và mang lại bao tự hào cho vùng đất này. Kỷ niệm 550 năm thành lập huyện, quá khứ vinh quang luôn là ngọn nguồn sức mạnh liệt để hướng đến tương lai rộng mở, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nghi Xuân quyết tâm chung sức đồng lòng xây dựng quê hương trở thành trung tâm văn hóa - kinh tế phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh.                                                                           
                                                                    Nguyễn Hải Nam
                                                Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện